ắng nghe và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân đặt ra trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trên các lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; cải cách tổ chức bộ máy; bổ nhiệm cán bộ…, Đảng không những lấy lại được lòng tin trong nhân dân mà còn giúp kinh tế phát triển, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

N ăm 2013-2014, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV liên tiếp vào cảnh thua lỗ. Báo cáo của ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng.

Thế nhưng, thay vì bị xử lý, kỷ luật, sự nghiệp chính trị của ông Trịnh Xuân Thanh lại liên tục thăng tiến. Đỉnh điểm là việc ông Thanh được “luân chuyển”, bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rồi được bầu vào đại biểu Quốc hội với số phiếu cao (sau đó không được công nhận tư cách đại biểu).

Câu hỏi đặt ra, liệu ông Trịnh Xuân Thanh sẽ còn leo cao, chui sâu đến mức nào nếu không có tiếng trống trận từ “việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo?

Tháng 6 năm 2016, sau khi dư luận phản ánh về việc: Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, chỉ mấy ngày sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Công an, Ban Cán sự đảng các bộ, cơ quan: Công thương, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn dầu khí quốc gia khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí phản ánh và “coi đây là việc cần làm ngay”.

Từ kết quả kiểm tra, hàng chục cán bộ cao cấp đương chức hoặc nghỉ hưu liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã bị kỷ luật như cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc và hàng loạt các cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu ở Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, tỉnh Hậu Giang, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác kiểm tra năm 2020 của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng kể lại rằng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 9/6/2016, yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra T.Ư cùng với các cơ quan kiểm tra, kết luận vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh, tuy tưởng như là một việc vi phạm nhỏ, nhưng có ý nghĩa như hoạt động mở đầu cho sự đổi mới công tác kiểm tra đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Có thể nói, vụ việc Trịnh Xuân Thanh được ví như là “tiếng trống trận” báo hiệu một giai đoạn quyết liệt mới trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ mới. Cũng từ đây, niềm tin của nhân dân đối với Đảng về đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” ngày càng tăng dần.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng từ khóa VIII đến khóa XI kể, trước Đại hội XII của Đảng, một câu hỏi day dứt mà nhân dân luôn đặt ra là: “Một bộ phận không nhỏ” suy thoái, tiêu cực đang nằm ở đâu?

“Từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, thì công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cũng đã có những chuyển biến nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong muốn của người dân. Tham nhũng vẫn là “giặc nội xâm”, bào mòn niềm tin của người dân đối với Đảng”, ông Kim nói.

Tuy nhiên, kể từ sau Đại hội XII của Đảng, cuộc chiến chống “giặc tham nhũng” đã có những đột phá quan trọng. Tất cả cán bộ, dù đương chức hay nghỉ hưu, dù Uỷ viên Trung ương, hay Uỷ viên Bộ Chính trị, nếu có vi phạm là bị xem xét xử lý, cách chức, thậm chí là phạt tù.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Như vậy, ông Chung, là quan chức mới nhất nối dài vào danh sách hơn 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam và phạt tù từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng

S o với các nhiệm kỳ trước, con số hơn 100 cán bộ cao cấp bị xử lý là “kỷ lục buồn”, song nó lại phản ánh đúng thực tế về tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực… vốn đã được tích tụ, gây bức xúc trong nhân dân từ lâu; chỉ đến khi Đảng quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn, gắn đức trị và pháp trị thì các vụ việc mới bị phanh phui và xử lý nghiêm minh.

Cũng bằng sự quyết tâm đó mà nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm xảy ra từ các nhiệm kỳ trước đây, tưởng như bị “chìm” thì nay được xem xét lại một cách công minh, khách quan, toàn diện. Qua đó, nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp đã được phanh phui như: Vụ Mobifone mua AVG; Vụ vi phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Vụ Dự án Gang thép Thái Nguyên; Vụ Tập đoàn hóa chất; Vụ Thủ Thiêm; Vụ Cảng Quy Nhơn…, giúp ngăn ngừa thất thoát và thu hồi lại được số lượng tài sản lớn cho Nhà nước.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng cho rằng, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng. Cũng theo nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, việc nói “chống tham nhũng làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”, khiến nhiều lãnh đạo “sợ sai, không dám làm gì”, chỉ là cách biện hộ, thậm chí bào chữa cho thái độ nửa vời.

Thực tế cho thấy, năm 2018, kinh tế nước ta tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với tốc độ đạt 7,08%. Thậm chí trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, quý II năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3,01%.

T heo ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nếu như trước đây, dư luận vẫn băn khoăn và đặt ra câu hỏi “một bộ phận không nhỏ ở đâu” thì nay không còn ai băn khoăn, đặt ra nữa. Điều đặc biệt là qua việc xử lý kỷ luật quyết liệt các cán bộ tham nhũng, tiêu cực, uy tín của Đảng trong nhân dân không những không giảm mà trái lại càng tăng cao.

Từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra Đảng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, nếu không chống tham nhũng quyết liệt, có hiệu quả thì cán bộ sẽ trở nên hư thân, mất nết, kéo theo nhiều nguy cơ xấu với đất nước. Cho nên, điều quan trọng tới đây là phải tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Không để những người có vi phạm leo cao, chui sâu vào bộ máy, thậm chí “chui” vào cả cán bộ cấp cao.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, cuộc chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, không phải lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi. Bởi tham nhũng như vòi bạch tuộc, với nhiều mối quan hệ phức tạp. Hơn nữa những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái còn là đảng viên, cán bộ, thậm chí là cán bộ diện Trung ương quản lý nên muốn xử lý được đòi hỏi những người làm công tác phòng, chống tham nhũng phải trong sạch, bản lĩnh, dũng cảm, không ngại va chạm.

Trong khi đó, ông Phúc cho rằng, khóa XIII tới đây cần tiếp tục phát huy những kết quả và bài học quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực mà nhiệm kỳ XII đạt được. Từ đó, tiếp tục có những giải pháp để tạo ra những chuyển biến căn bản, hướng đến mục tiêu: Không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và có muốn tham nhũng cũng không thể được.

Không chỉ quyết liệt trong công tác đấu tranh với tham nhũng, suy thoái, Đảng còn mạnh tay xử lý các trường hợp “quan lộ thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng”, “chạy chức”, “chạy quyền”, bổ nhiệm người nhà, người thân, vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận.

T heo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong công tác xây dựng Đảng thì công tác cán bộ được coi là then chốt của then chốt. Nếu lựa chọn được cán bộ có tài, có đức thì sẽ phát triển, ngược lại để cán bộ xấu chui vào bộ máy thì rất nguy hại.

Cũng vì tầm quan trọng đó nên trong những nhiệm kỳ qua, Đảng luôn đề cao kỷ luật, kỷ cương và đề ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “bổ nhiệm người nhà, người nhân”; bổ nhiệm thân quen, “cánh hẩu”. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được cũng chưa được như mong muốn, những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Sang nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cùng với việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Đảng cũng đã có thái độ cương quyết trong việc xử lý các sai phạm liên quan đến bổ nhiệm cán bộ theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ quan chức lợi dụng quy trình để “lót ổ”, “xếp ghế” cho con trước ngày hạ cánh thì sang nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã bị phanh phui, xử lý.

Điển hình như việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, làm Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam ở tuổi 30. Tương tự là việc ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam không gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt quy hoạch.

Hay vụ việc “nâng đỡ không trong sáng” bằng cách bổ nhiệm bà Vũ Quỳnh Anh” làm trưởng phòng và quy hoạch làm lãnh đạo ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Sau khi dư luận phản ánh, tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, song xử lý không thỏa đáng nên Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét lại và xử lý nghiêm minh, được người dân và dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, để ngăn chặn các vi phạm, tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ, thì xử lý sai phạm chỉ là bước cuối nhằm khắc phục hậu quả. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bên cạnh việc xử lý thì Đảng đã đặc biệt coi trọng đến việc hoàn thiện các quy trình, quy định liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ.

“Muốn ngăn chặn được tình trạng chạy chức, chạy quyền và những vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực. Bởi một khi quyền lực được trao tay vào một ai đó mà không được kiểm soát, không có cơ chế nhận diện các hành vi lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ thì khó mà ngăn chặn được triệt để”, ông Thưởng nói.

Trên thực tế, cùng với việc xử lý nghiêm các vi phạm trong bổ nhiệm, trong nhiệm kỳ qua, Đảng cũng đã ban hành hàng loạt các quy định nhằm bịt kín các lỗ hổng trong công tác cán bộ. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư) cho biết, chỉ tính trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 130 văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn,... về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Điển hình như Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017, về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” để thay thế Quy định số 67, 68-QĐ/TW, của Bộ Chính trị khóa X, với tinh thần đổi mới là đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cán bộ và bổ sung, hoàn thiện quy trình 5 bước khi tiến hành bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn.

Đặc biệt là Quy định 205 về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ đã tạo ra cơ chế để nhận diện rõ hơn các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ. “Trước đây nói “chạy chức”, “chạy quyền” nhưng rất chung chung, không có quy định nên có những băn khoăn đặt ra là thế nào là “chạy chức”, “chạy quyền”, ai chạy, chạy ai? Nay tất cả đã rõ ràng, minh bạch, vừa thuận lợi cho việc giám sát cũng như xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan” - ông Thưởng nói.

C hỉ còn vài tháng nữa là sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là Đại hội quan trọng để bầu ra những người có tài, có đức và đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vấn đề quan trọng là làm sao chọn được những người để tiếp tục “giữ ngọn lửa” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng.

“Bây giờ cũng có người đang hỏi: Nhiệm kỳ Đại hội XII làm tốt rồi vậy đến nhiệm kỳ Đại hội XIII thì thế nào? Có phát huy, có tiếp tục giữ được “ngọn lửa” trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không”, ông Sửu đặt vấn đề, đồng thời cảnh báo: Nếu chọn được người có tinh thần quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thì sẽ kế tiếp, giữ được “ngọn lửa”. Ngược lại, chọn phải người không xứng đáng, có vấn đề thì không cẩn thận “ngọn lửa” sẽ lụi dần.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới cần phải thông qua nhiều kênh thông tin để đánh giá từng ứng cử viên một cách hết sức công tâm, khách quan, toàn diện các mặt theo tiêu chí nghiêm ngặt, chặt chẽ, thực sự không bị ảnh hưởng bởi quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, không cảm tính, nhằm xem xét từng ứng cử viên có thực sự xứng đáng đưa vào danh sách.

“Vấn đề quan trọng là làm sao giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải thực sự công tâm, khách quan, không tư lợi. Bởi làm người rất khó, nếu chỉ nghe nhân sự nói tưởng hay, tưởng là người tốt, hết lòng vì nhân dân, đất nước, song kỳ thực lại không phải như vậy”, ông Hùng nói. Từ đó, ông Hùng cho rằng, qua các vụ việc nhân sự cấp cao bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Trương Minh Tuấn…, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đúc rút ra các bài học, không để nhưng nhân sự có vấn đề “lọt” vào Trung ương.

Đụng đến tổ chức, bộ máy là đụng đến con người, đụng đến tâm tư, tình cảm, lợi ích, chưa kể lực cản “tăng ghế thì dễ, giảm ghế rất khó”. Song từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự đồng lòng, quyết tâm, khơi thông các lực cản, cải cách tổ chức, bộ máy đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng

L à người nhiều năm gắn bó với công tác tổ chức, cán bộ, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương kể, trong những nhiệm kỳ trước đây, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, nhiều quy định về cải cách bộ máy, nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn.

Thậm chí có thời điểm, Đảng ban hành Nghị quyết rồi nhưng bộ máy, biên chế vẫn cứ ngày một phình to ra. Đơn cử như năm 2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng sau hơn hai năm thực hiện thì không những không giảm mà còn tăng thêm tới 96.000 người.

Năm 2017, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.

Bộ máy cồng kềnh, số lượng hưởng lương và hỗ trợ từ ngân sách lớn nên việc “co – kéo” miếng bánh ngân sách để dành cho việc điều chỉnh tiền lương luôn là chủ đề “nóng rực” tại nghị trường Quốc hội trước đây. Có đại biểu khi thảo luận về vấn đề này còn bật khóc khi nói về các hoàn cảnh khó khăn do việc hỗ trợ chưa được như mong muốn.

Cũng vì chi tiêu cho bộ máy quá lớn nên chi đầu tư cho phát triển trước đây luôn bị co lại. Năm 2017, chi thường xuyên lên tới 862.600 tỷ đồng, trong khi đó chi đầu tư phát triển chỉ khoảng 259.500 tỷ đồng. Do đó, khi thảo luận về triển khai đầu tư xây dựng các dự án, câu hỏi “tiền đâu” luôn là vấn đề khiến các đại biểu đau đầu.

Là cơ quan tham mưu của Đảng về công tác tổ chức, bộ máy, ngay sau Đại hôi Đảng XII, Ban Tổ chức Trung ương đã quyết tâm thực hiện một cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Tháng 10/2017, với phương châm “việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay; việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tích cực nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm rồi tổng kết, mở rộng dần”, Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận và thống nhất thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả” (Nghị quyết 18) và Nghị quyết về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trung ương cũng thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là rất khó. Vì thế, Nghị quyết nhấn mạnh phải chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mọi cán bộ đảng viên đều có chung nhận thức, có cơ chế chính sách hợp lý đối với những tổ chức, đối với những người trực tiếp bị tác động do quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện.

V ài tháng, sau khi Nghị quyết 18, 19 được ban hành, Bộ Công an đã đột phá đi tiên phong trong việc cải cách tổ chức bộ máy. Đến nay, Bộ đã giảm 6 tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 20 cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, 819 đơn vị cấp phòng và trên 2.000 đơn vị cấp đội. Từ việc sắp xếp này, Bộ đã tăng cường cho công an địa phương gần 3.000 cán bộ.

Theo Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, qua việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, đến hết năm 2019, giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, hàng trăm đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; gần 500 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương, 81 cục, vụ và tương đương. Tinh giản biên chế được 236.039 người, tương đương 6,58% so với năm 2015. Qua đó tiết kiệm ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Từ tiết kiệm được chi tiêu thường xuyên, nên từ năm 2018 đến nay, chi cho đầu tư phát triển năm sau luôn cao hơn năm trước. Tăng tưởng kinh tế cũng từ đó mà ngày càng khởi sắc, liên tiếp trong 2 năm 2018- 2019, tăng trưởng GDP đều đạt trên 7%. Nhờ đó, mà việc bố trí ngân sách để điều chỉnh tiền lương theo lộ trình đã không còn là vấn đề căng thẳng trên thị trường.

Nhìn lại bài học và kinh nghiệm, ông Hà cho biết, rút kinh nghiệm từ các khóa trước , lần này T.Ư quyết liệt trong quá trình thực hiện, không “đánh trống bỏ dùi”. Ngay sau khi Nghị quyết 18, 19 có hiệu lực, Bộ Chính trị đã ban hành kế hoạch thực hiện, đồng thời liên tiếp lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương. Điều này tạo sức ép để các bộ, ngành, địa phương có ý thức và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện.

Cải cách tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, đòi hỏi một quá trình liên tục, chứ không thể “ngày một, ngày hai”. Song những việc khó nhất, phức tạp nhất, như khơi thông tâm tư, tình cảm của cán bộ, công nhân, viên chức đã được nhiệm kỳ xây dựng Đảng khóa XII thực hiện. Cải cách tổ chức, bộ máy giờ đây đã trở thành xu thế tất yếu, không tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài lề. Đây chính là nền tảng, nền móng để nhiệm kỳ XIII tiếp nối việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện mô hình tổ chức đảng theo ngành, lĩnh vực và những nơi có đặc điểm riêng..

“Những kết quả trong công tác xây dựng Đảng của khóa XII cho thấy, khi Đảng lắng nghe, quyết tâm giải quyết những vấn đề bức xúc mà nhân dân đặt ra thì Đảng sẽ có được niềm tin trong nhân dân. Đây cũng là bài học lớn cho khóa XIII tiếp tục phát huy để có được niềm tin trong nhân dân một cách vững bền”.


Ông Vũ Văn Phúc

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư trao đổi với Tiền Phong về những bài học lớn rút ra trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII.

Phóng viên: Khi nói về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, người dân thường nhắc đến câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rằng: Lò nóng lên rồi củi tươi vào cũng cháy. Vậy theo ông đây có phải dấu ấn lớn nhất trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ này?

Ông Vũ Văn Phúc: Đúng là chưa khi nào công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực lại được làm mạnh mẽ và quyết liệt như nhiệm kỳ này. Và cũng chưa bao giờ lại được tiến hành với một quyết tâm chính trị cao đến như vậy. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lần đầu tiên chúng ta xử lý, truy tố hình sự nhiều người giữ cương vị cao, kể cả đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên T.Ư đương chức hoặc về hưu.

Đây cũng là lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ mà cả ba Bí thư của ba thành phố lớn là: Hà Nội, Đà Nẵng, và Thành phố Hồ Chí Minh đều bị xử lý kỷ luật. Người thì bị cách chức, cảnh cáo, người thì bị xử lý hình sự, phạt tù.Đây là điều rất khác so với các nhiệm kỳ trước, thể hiện sự quyết liệt rất cao trong xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến cán bộ cấp cao.

Cũng trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã xử lý hơn 100 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương quản lý. Đây là lần đầu tiên có con số bị xử lý lớn đến như thế. Kết quả đó đã lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với nhà nước.

Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, xử lý các vi phạm chỉ bước ngọn, cái gốc phải xây dựng cơ chế để không ai dám vi phạm, thậm chí muốn vi phạm cũng không được, thưa ông?

Đúng vậy. Trong nhiệm kỳ 12 này, ngoài việc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ các hành vi vi phạm, thì Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị quan tâm một cách toàn diện đến công tác xây dựng Đảng, từ phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, tiêu cực cho đến công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế... Chỉ trong 4 năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một khối lượng lớn các nghị quyết, quy định, kết luận trên những lĩnh vực trên. Những quy định này không chỉ “bịt” các lỗ hổng về cơ chế, phòng ngừa sai phạm mà còn mở đường để chúng ta cải cách về tổ chức bộ máy, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài trong nhiệm kỳ mới.

Xu thế và cơ chế đều đã có, song điều quan trọng là làm thế nào để duy trì được điều đó trong nhiệm kỳ mới, thưa ông?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, công cuộc PCTN của chúng ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Đảng, của T.Ư, Bộ Chính trị và sự kỳ vọng nhân dân. Tất cả những vấn đề đó đặt ra cho đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ đang trong quy hoạch khóa tới về thực hiện các quy định của Đảng về kê khai tài sản, ngăn chặn tình trạng chạy chức chạy quyền, cũng như thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương.

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII đặt ra bài học gì về câu chuyện ý Đảng – lòng dân để tiếp nối trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, thưa ông?

Bác Hồ đã dạy, Đảng ta từ nhân dân mà ra và Đảng phải lấy lợi ích của nhân dân là mục đích cao thượng nhất. Đảng không có mục đích gì khác, ngoài mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Muốn làm vậy, đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân.

Bác Hồ cũng nói, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ đảng viên chỉ là những người được nhân dân ủy quyền, giao quyền thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian nhất định. Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… đều được nhân dân ủy quyền, giao nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ trong thời gian nhất định nên Đảng phải gắn bó với dân.

Vì thế, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao phải nhớ là, tất cả mọi việc trên đời này nhân dân đều biết hết. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào không tốt, ai trong sạch, liêm chính, nêu gương; ai tham nhũng, tiêu cực, trì trệ, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền… nhân dân đều biết cả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng từng khẳng định, cứ hỏi nhân dân là biết hết. Và trên thực tế là nhân dân biết hết cả đấy.

Trong xã hội nước ta thì nhân dân là chủ, chứ không phải cán bộ quản lý. Như Bác Hồ đã nói, cán bộ quản lý không phải là những ông quan cách mạng. Cán bộ quản lý lãnh đạo các cấp chỉ là những người được nhân dân ủy quyền, giao quyền thực hiện nhiệm vụ trong thời gian nhất định, tối đa không quá 2 nhiệm kỳ. Vì vậy, Đảng muốn vững mạnh trong sạch thì Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân.

Cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Không được biến quyền lực nhân dân giao cho, ủy quyền cho thành quyền lực cá nhân để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gia đình, nhóm mình.

Chúng ta nói ý Đảng, lòng dân, tức ý Đảng là phải dựa vào nguyện vọng ý chí của nhân dân. Nghị quyết, chủ trương của đảng phải dựa vào ý chí nguyện vọng của nhân dân. Chủ trương, quyết sách của Đảng mà trái với ý chí nguyện vọng của nhân dân thì sẽ không đi vào cuộc sống. Nhân dân sẽ góp ý xây dựng đảng, làm cho đảng vững mạnh hơn, trong sạch hơn, để đảng ta là đảng thực sự đạo đức, văn minh. Cho nên sự gắn bó giữa đảng và nhân dân rất quan trọng.

Những kết quả trong công tác xây dựng Đảng của khóa XII cho thấy, khi Đảng lắng nghe, quyết tâm giải quyết những vấn đề bức xúc mà nhân dân đặt ra thì Đảng sẽ có được niềm tin trong nhân dân. Đây cũng là bài học lớn cho khóa XIII tiếp tục phát huy để có được niềm tin trong nhân dân một cách vững bền.

Nói về công tác cán bộ, Bác Hồ từng nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, thành bại của cách mạng là do cán bộ tốt hay kém. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cần nắm vững quan điểm đó để lựa chọn những người xứng đáng nhất vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

T heo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, nhấn mạnh tới cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Với cán bộ trung ương, cán bộ cấp chiến lược, trước hết phải trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng, suốt đời chiến đấu cho lý tưởng độc lập tự do và CNXH. Do vậy, những cán bộ có biểu hiện chập chờn, không vững vàng trong nhận thức, quan điểm thì không thể lựa chọn vào cơ quan lãnh đạo được.

Cùng với đó, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải luôn đặt lợi ích cách mạng, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Bác vẫn hay nói, đã làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, luôn đặt việc công, đặt lợi ích chung lên trên hết. Chính vì vậy, cần kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân dễ nảy sinh nhiều tiêu cực. Đã mang nặng chủ nghĩa cá nhân thì không thể toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp chung của cách mạng, của đất nước, dân tộc. Bác Hồ đã nhấn mạnh, ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Mỗi cán bộ, đảng viên phải cố gắng theo lời căn dặn ấy và đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng ta hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với người cán bộ lãnh đạo cần phải đề cao chuẩn mực đạo đức. Bác đã nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa đức và tài, phải coi trọng cả hai, trong đó đức là gốc. Không có đức sẽ không làm được gì cho đất nước, cho dân tộc cả. Nhưng nếu không có tài cũng không thể thực hiện được nhiệm vụ. Nên cả hai yếu tố tài và đức phải là phẩm chất cần có của người cán bộ lãnh đạo.

Điều quan trong nữa được ông Phúc nhấn mạnh là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo. Nếu không có tinh thần phụ trách trước công việc sẽ không thể lãnh đạo được. Trách nhiệm càng cao sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho công việc. Cương vị càng cao, trách nhiệm càng lớn. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào, ngành nào, người đứng đầu gương mẫu thì phong trào phát triển, chất lượng tốt, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

“Suy cho cùng, cán bộ cấp chiến lược đòi hỏi cần có uy tín chính trị, tức là người lãnh đạo phải có uy tín. Người lãnh đạo luôn là kiểu mẫu, thể hiện uy tín trong Đảng, trong dân, như một tấm gương để người khác soi vào. Cán bộ cấp chiến lược càng đòi hỏi như vậy. Người được lựa chọn vào Ban chấp hành trung ương tới đây phải là những người mẫu vực về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc, uy tín cao trong Đảng, trong dân”, ông Phúc nhấn mạnh.

T heo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Đảng ta là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, cho nên những cán bộ chủ chốt, được Đảng giới thiệu ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý là cực kỳ quan trọng. Thành hay bại cũng từ đó mà ra.

Qua thực tế các địa phương, ông Hòa nhận xét: Quy trình xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ mới được thực hiện rất chặt chẽ, bài bản, kỹ càng với quy trình 5 bước rất đầy đủ. Đại biểu được giới thiệu đều là những người rất ưu tú, tiêu biểu và đặc biệt uy tín. “Nhân sự kỳ này được làm rất rạch ròi, tạo cơ sở cho việc lựa chọn người đủ đức đủ tài, có năng lực, uy tín nhất”, ông Hòa cho biết.

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Hòa cho hay, Hội nghị Trung ương 13 vừa qua có bàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Những nhân sự đó cũng đã thực hiện quy trình 5 bước và lấy ý kiến các cấp, các ngành và cán bộ lão thành…

Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là đến năm 2030 sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển, trung bình khá. Muốn làm được như vậy, phải chọn cho được đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu, được Đảng và nhân dân tín nhiệm, thực sự trong sạch, có đầy đủ tư cách đạo đức và năng lực trí tuệ vượt trội, gánh vác được trọng trách, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang trong tình hình mới. Đây là vấn đề hệ trọng mà Ban chấp hành Trung ương và đại biểu tham dự Đại hội phải thực sự sáng suốt chọn lựa.

“Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng Đại hội XIII sẽ lựa chọn được những người sáng giá nhất, tiêu biểu nhất, trong sạch nhất và có được sự tín nhiệm nhất để lãnh đạo và điều hành đất nước”, ông Hòa bày tỏ.

N hìn vào con số hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, xử lý hình sự trong nhiệm kỳ qua, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam nói rằng “không vui chút nào”. “Cán bộ là công bộc của Nhân dân, sao lại để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng đến mức bị kỷ luật như vậy”, ông Kim nói.

Điều đáng buồn được ông Kim chỉ ra là, trong số những người bị kỷ luật, bị xử lý đó, nhiều người đã trải qua quá trình dài phấn đấu, rèn luyện. Đó cũng là những người am hiểu các quy định của pháp luật; thậm chí có những thời điểm còn là “tấm gương soi”, thế mà cuối cùng lại sa ngã, bao công lao gây dựng “đổ sông, đổ biển”…

Tuy nhiên, ông Kim khẳng định việc xử lý như trên là đúng, cần thiết, không thể làm khác. Qua xử lý Đảng đã tăng uy tín và niềm tin đối với quần chúng nhân dân về đạo đức, tính kỷ luật, kỷ cương. “Vấn đề mà người dân quan tâm hiện nay, là sau nhiệm kỳ Đại hội XII thì công tác xây dựng Đảng sẽ như thế nào? Làm sao tới đây sẽ không còn các đại án tham nhũng hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ nữa; làm sao không xảy ra các vụ “bổ nhiệm thần tốc”, bổ nhiệm “người nhà”, “người thân” nữa”, ông Kim nêu câu hỏi.

Để trả lời các câu hỏi trên, theo ông công tác lựa chọn cán bộ chính là “then chốt của mọi then chốt”. Đảng phải cương quyết không để những người thiếu phẩm chất, suy thoái, dính dáng đến tiêu cực lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Phải lựa chọn cho bằng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tư duy đổi mới, dám chịu trách nhiệm trước đảng, nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như tính liêm sỉ, tính công bộc của nhân dân.

“Những người cán bộ được giới thiệu tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới phải là người có đủ bản lĩnh, sự chính trực, trong sạch để xử lý nghiêm những sai trái của đội ngũ cán bộ. Người đó phải là người tiêu biểu trong chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực”, ông Kim nêu ý kiến.